Chắc chắn trong chúng ta hầu hết mọi người đều đã từng nhìn thấy các em bé đang bú mẹ. Đứa bé áp sát vào người mẹ, mồm ngậm đầu vú mẹ mà hai mắt khi thì lim dim, khi thì mở to nhìn chằm chằm vào mặt mẹ một cách đắm đuối, tay mân mê bầu vú bên kia hay bấu chặt lấy người mẹ, chân cựa quậy liên hồi, lắm lúc khoái chí thì lại đập nhịp nhàng xuống chiếu. Bé đang trong trạng thái thỏa mãn và sung sướng. Đó cũng chính là những giây phút bé thấy gắn bó với mẹ hơn lúc nào hết, và cũng chính là những giây phút bé cảm thấy an toàn nhất. Niềm vui sướng này không chỉ được tạo ra bởi cái dạ dày no nê, mà bằng cả cái cảm giác được sát kề với da thịt của mẹ, nhìn tận vào mặt mẹ, ngửi thấy mùi quen quen của mẹ. Quan sát kĩ, có thể thấy được ngay là bé bú không phải chỉ cốt cho no đâu. Nhiều khi mồm vẫn ngậm vú mẹ mà lại chẳng mút, có khi lại tự ý nhả vú ra để nhìn vào mặt mẹ mà nhoẻn miệng cười một cách khoái chí. Đó là lúc bé đang tận hưởng niềm vui đến ngây người và cũng từ niềm vui lâng lâng đó mà bé đi vào giấc ngủ một cách thật ngon lành.
Giây phút bú mẹ cũng chính là lúc em bé nhận ra người mẹ của mình, nhờ đó mà mối quan hệ gắn bó với mẹ lại càng thêm chặt chẽ hơn.
Còn đối với người mẹ thì khi cho con bú cũng là lúc thấy gắn bó, gần gũi, yêu thương nhất đối với con mình. Đó cũng là dịp để ôm ấp vỗ về vào da thịt của con như muốn truyền tất cả sinh lực của mình cho nó. Cho con bú cũng chính là lúc mà người mẹ được ngắm thật kĩ đứa con mình đã dứt ruột sinh ra, tìm từ trong đôi mắt, cái mũi, cái miệng đên khuôn mặt, bộ tóc những nét của người chồng thân yêu hoặc của chính mình.
Tựa như một bản năng tự nhiên, người mẹ nào khi cho con bú cũng tìm cách trò chuyện với con bằng những lời nựng tưởng chừng như vô nghĩa nhưng chính đó cũng là những lời nói tình cảm nhất từ nơi sâu thẳm của lòng mình. Vừa cho con bú, vừa xoa tay, nắn chân cho bé, sờ mó khắp người như để nhận ra một phần rất riêng của chính mình, cái vật sở hữu thật thiêng liêng, không thể lẫn được với bất cứ đứa trẻ nào khác. Đứa bé chỉ là một thực thể thật non nớt, nhỏ nhoi, vậy mà nó đã tạo được một sức hút không thể cưỡng được khiến cho hầu như toàn bộ sức lực, tâm trí, lòng yêu thương và cả tâm hồn người mẹ đều dồn hết cho nó. Hình như toàn bộ cuộc sống của mẹ là dành cho nó. Giờ đây, hai mẹ con đã phát hiện ra nhau, mẹ là của con, con là của mẹ, họ là của nhau, không thể thiếu nhau được. Chính tình cảm rất tự nhiên và rất thiêng liêng này đã giúp cho người mẹ có một sự nhạy cảm khác thường để có thể phát hiện ra những biến đổi dù là rất tinh vi của đứa con cả về thể chất lẫn tinh thần, từ đó mà có một thái độ sẵn sàng đáp ứng tất cả mọi yêu cầu của con cho dù có gặp phải khó khăn to lớn đến đâu. Còn đôi với đứa bé, nếu được gắn bó với mẹ, được mẹ vỗ về ôm ấp sát vào da thịt là một nhu cầu bức thiết, thì chính lúc bú mẹ là lúc nhu cầu đó được thỏa mãn một cách đầy đủ nhất.
Cho con bú là một hành động mang tính phức hợp, trong đó có mặt kĩ thuật của nó. Làm sao cho em bé có thể ngậm đúng vào đầu vú mẹ một cách dễ dàng, làm sao cho tia sữa vừa đủ để phù hợp với nhịp thở của trẻ, không làm cho trẻ bị sặc. Thường thì các bà mẹ lấy tay nâng đầu vú, đồng thời dùng ngón tay để điều chỉnh lượng sữa vào mồm con một cách thích hợp. Tư thế lúc cho con bú cần thoải mái, không để trẻ bị ói, bị nôn. Khi cho con bú xong, người mẹ chưa nên đặt con nằm ngay xuống giường vội, mà nên bế bé trên tay, để đầu cao hơn người, chờ cho sữa xuống hẳn dạ dày rồi hãy cho bé nằm. Tất cả những điều nêu trên đây đều thuộc về mặt kĩ thuật. Gặp trường hợp khó khăn khác như đầu vú không trồi lên hoặc tia sữa bị tắc, v.v. thì cần gặp bác sĩ để chữa chạy kịp thời.
Thời kì cho con bú cũng là thời kì người mẹ cần có những hiểu biết cần thiết về chế độ ăn uống của chính mình mà khoa học dinh dưỡng đã có nhiều tài liệu được phổ cập rộng rãi.
Bên cạnh mặt kĩ thuật, việc cho con bú cũng mang lại tính nghệ thuật nữa. Thật vậy, làm sao để cho đứa trẻ cảm thấy đầm ấm, sung sướng khi nằm trong lòng mẹ; làm sao cho trẻ tận hưởng được giây phút bên mẹ trong trạng thái thậ t thoải mái, dễ chịu; làm sao cho trẻ có được những xúc cảm tích cực, gắn bó hơn nữa với con người v.v. Đó là cả một nghệ thuật!
Người mẹ khi cho con bú nhiều khi không biết rằng chính mặt nghệ thuật của hành động này lại là một yếu tố quan trọng có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của trẻ chẳng kém gì dòng sữa mẹ. Trên thực tế, không ít những người mẹ đã không ý thức được điều đó. Khi cho con bú, họ chỉ cốt sao cho sữa chảy được vào miệng đứa bé là được. Thậm chí có người còn nằm đánh một giấc ngủ ngon lành, mặc cho em bé loay hoay một mình với bầu sữa như với một cái bình sữa vô tri vô giác. Họ đã quên rằng lúc cho con bú cũng chính là cơ hội tốt nhất để hai mẹ con được giao tiếp với nhau, trò chuyện, gắn bó với nhau. Để mặc cho trẻ tìm vú mà bú sẽ dẫn đến tình trạng trẻ thờ ơ với chính mẹ của nó, từ đó mà cũng trở nên hờ hững với những người xung quanh, khi bú chỉ cốt sao cho no bụng thôi. Cũng vì không quan tâm tới mặt nghệ thuật của hành động cho con bú mà người mẹ đã không tạo cho trẻ cái cảm giác sung sướng khi được gần mẹ, từ đó mà sinh ra bẳn tính, thậm chí có đứa trở nên yếu đuối mà sinh ra bệnh tật.
Hình minh họa
Đối với trẻ em, sự thờ ơ của người mẹ chẳng khác nào một sự ruồng bỏ, khiến cho chúng dễ bị rơi vào tình trạng phát triển lệch lạc cả về tâm lí lẫn sinh lí, nhiều khi rất khó chạy chữa.
Spit (Spitz) một nhà tâm lí học trẻ em nổi tiếng ở Mĩ đã theo dõi nhiều ca và ông đã nêu hai ca tiêu biểu sau đây:
Một cô gái 16 tuổi đi ở cho một nhà giàu và đã bị chủ nhà hiếp dâm. Là một con chiên ngoan đạo, cô luôn luôn bị mặc cảm về tội lỗi nặng nề. Lúc sinh con, cô cho con bú và nhiều lần đã thất bại, vì cô tự cho là mình không có sữa. Thực ra, khi nặn bầu vú thì tia sữa vẫn chảy ra dễ dàng, và nặn sữa ấy vào bình thì đứa con vẫn chịu bú. Quan sát lúc cô gái cho con bú, người ta thấy cô ôm đứa bé như ôm một khúc gỗ, cả người, cả hai tay đều cứng đờ, nét mặt hết sức căng thẳng, đến nỗi ngay cả núm vú cũng không thể trồi lên được. Trong 5 ngày đầu, người ta đành phải nặn sữa từ vú mẹ cho sang bình để đứa bé bú, nhưng hễ mẹ cho bú thì lại bị thất bại. Đã có lần vì bú như vậy mà đứa trẻ không thể chịu nổi nữa, đâm ra thở hổn hển, mặt tím tái lại. Sau đó phải mất rất nhiều công phu người ta đã dạy cho cô gái biết cách nâng niu vỗ về con lúc cho con bú, song điều quan trọng là người ta đã tìm cách thức dậy tình cảm mẹ – con ở cô gái đáng thương và cho cô thấy trách nhiệm của người mẹ đối với sự sống còn của đứa con mà mình đã sinh ra. Tập luyện và giải thích tới 5, 6 ngày, người mẹ trẻ ấy mới cho con bú được và cũng từ tuần lễ sau đó, đứa bé mới phục hồi được sức khỏe, dần dần trở lại trạng thái bình thường.
Trong ca thứ hai thì người mẹ lại luôn luôn than phiền, cau có mỗi khi cho con bú. Quan sát lúc người mẹ đó cho con bú người ta thấy chị ta lúc nào cũng như người đang giận dỗi, còn đứa con thì khóc thét lên, bú sữa vào là nôn ọe ra. Đến tuần thứ ba thì người mẹ bị cảm cúm phải vào bệnh viện nên đã cách ly với con trong sáu tuần. Ở nhà, bé được người khác nuôi bằng bình sữa, nhưng mỗi lần bú thì bé lại được ôm ấp vỗ về, âu yếm nên nó bú một cách bình thường, không thấy nôn ọe gì. Khi người mẹ ở bệnh viện trở về với thái độ cau có khi cho con bú như trước, thì tình hình lại diễn biến xấu như cũ, đứa bé lại khóc thét lên và nôn ọe mỗi khi mẹ nó cho bú.
Hai trường hợp trên đây được Spít coi như là bệnh lí mà nguyên nhân gây bệnh không phải do tổn thương thực thể ở mẹ hay ở con mà chủ yếu là do thiếu hẳn một sự gắn bó cần thiết giữa hai mẹ con, thiếu tình mẫu tử với sự ôm ấp vỗ về êm dịu, và điều đáng trách lại chính là ở người mẹ.
Cho con bú là một thiên chức của người mẹ, nhưng đâu phải cho con bú là chỉ cốt cho con được no. Cùng với dòng sữa mẹ, đứa trẻ còn cần tiếp nhận những tác động của mẹ vào da thịt của mình. Nằm trong lòng mẹ, trẻ có được cái cảm giác an toàn tuyệt đối. Hơn nữa, ở trẻ sơ sinh thì vùng môi miệng và họng là nơi mà một kích thích từ bên ngoài sẽ tạo ra ngay một phản ứng đặc trưng: trẻ tìm ngay vú mẹ để bú. Spít cho rằng tri giác của trẻ bắt đầu từ môi miệng, nơi đây tập trung mọi thứ cảm giác như xúc giác, vị giác, khứu giác, nóng lạnh, đau đớn… do đó, thời kì này trẻ em thường dùng môi miệng để khám phá thế giới xung quanh mà bắt đầu là từ việc nhận ra người mẹ. Cũng như những động vật còn nhỏ, trẻ em tiếp cảm với môi trường xung quanh trước hết là thông qua “cái mõm”. Điều này có thể thấy rõ ở chỗ đứa trẻ hễ vớ được vật gì thường là cho ngay vào mồm, tất nhiên không phải để ăn mà là để thăm dò, tìm kiếm. Chả thế mà Phrớt (Freud), nhà phân tâm học nổi tiếng người Áo, đã gọi trẻ em ở những tháng đầu tiên của cuộc đời là giai đoạn “môi miệng”.
Tất cả những điểm vừa nêu càng chứng minh rõ hơn vấn đề mà chúng ta nói ở trên. Đó là: Bú không chỉ cốt no!
PGS. TS Nguyễn Ánh Tuyết