Tiếp theo thời kì cộng sinh ở trong bụng mẹ là thời kì “hòa mình” vào thế giới xung quanh. Lúc mới sinh ra, em bé còn ở trong trạng thái “bất phân” với nhiều cảm giác lẫn lộn, chưa phân biệt đâu là cảm giác từ bên trong nội tạng, đâu là cảm giác từ bên ngoài. Tất cả những cảm giác ấy lúc đầu hỗn hợp lại, tạo ra một trạng thái mơ hồ, mông lung ở trẻ em, sau mới dần dần phân hóa ra những cảm giác riêng biệt : tai nghe, mắt thấy, đa cảm, mũi ngửi, lưỡi nếm… Lúc đầu trẻ cũng không phân biệt được giữa đồ vật với bản thân: bú thì không phân biệt được vú mẹ và môi miệng của mình; nắm chặt trong lòng bàn tay một vật gì thì cũng không phân biệt được bàn tay của mình và đồ vật ấy, thậm chí cũng không phân biệt được cả người xung quanh (như mẹ) với bản thân mình. Tất cả như hòa nhập thành một khối, phải dần dần mới tách biệt ra được, mới phân hóa để hình thành sự cảm nhận vật và người xung quanh, từ đó mà nhận ra chính bản thân mình và định hướng vào môi trường xung quanh. Đây là con đường phát triển khá quan trọng. Để giúp trẻ cảm nhận được dễ dàng, người lớn cần tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu mang tính phát triển không kém phần bức thiết so với nhu cầu gắn bó mẹ – con: đó là nhu cầu tiếp nhận những ấn tượng từ thế giới bên ngoài. Nếu nhu cầu gắn bó mẹ – con là động lực chính của sự phát triển đời sống tình cảm, thì nhu cầu tiếp nhận ấn tượng từ thế giới bên ngoài là động lực chính của sự phát triển trí tuệ.
Khởi đầu, nhu cầu tiếp nhận ấn tượng từ thế giới bên ngoài được gắn liền với các phản xạ định hướng và được phát triển tùy theo sự phát triển của các giác quan để sẵn sàng tiếp nhận những ấn tượng bên ngoài. Tháng đầu tiên, trẻ đã có thể nhìn theo các nguồn sáng hay các vật di động, có thể nghe những âm thanh, đặc biệt là giọng người, dần dần trẻ phân biệt được các âm thanh và mùi vị khác nhau. Trẻ nhỏ có lỗ tai khá thính, một tiếng nói bình thường, một lời ru khe khẽ cũng làm cho trẻ chú ý; một tiếng động mạnh, một ngữ điệu gay gắt cũng làm trẻ giật mình sợ hãi.
Một đặc điểm quan trọng nữa của trẻ là thị giác và thính giác phát triển nhanh hơn là các cử động của cơ thể. Điều này phân biệt đứa trẻ với con vật non, vì ở con vật thì cử động được hoàn thiện sớm hơn.
Sự phát triển cơ chế nhìn và nghe cũng như sự hoàn thiện các phản ứng đối với kích thích từ bên ngoài diễn ra qua sự trưởng thành của hệ thần kinh, trước hết là vỏ não, nơi diễn ra cơ chế thiết lập các mối liên hệ giữa trẻ với môi trường xung quanh, tiếp nhận những ấn tượng từ thế giới bên ngoài. Tuy vậy nếu nghĩ rằng sự trưởng thành của bộ não tự nó có thể bảo đảm cho sự phát triển các giác quan thì lại là một điều sai lầm. Sự phát triển này còn do ảnh hưởng của những tác động từ thế giới bên ngoài mà trẻ tiếp nhận được. Hơn thế nữa, nếu không có những tác động đó thì bản thân bộ não cũng không thế phát triển. Nếu đứa trẻ bị giữ trong tình trạng cô lập về cảm giác, tức là thiếu đi những ấn tượng từ thế giới bên ngoài thì sự phát triển của nó sẽ ra sao? Một số ông bố, bà mẹ chủ trương cho đứa con mới sinh của mình được sống trong một môi trường hoàn toàn yên tĩnh. Họ không để những người xung quanh được trò chuyện hay mang các đồ vật đến bên đứa trẻ, không cho ai tạo ra những tiếng động nào. Họ cho đứa bé nằm trong buồng kín, chắn gió và chắn cả ánh nắng nữa. Vô hình trung họ đã dẫn trẻ tới tình trạng thiếu hụt những tác động của thế giới bên ngoài, thiếu hụt những ấn tượng về màu sắc, hình dáng, âm thanh của sự vật, nghĩa là chẳng có cái gì tác động đến bộ não của trẻ cả. Một khi vỏ não không hoạt động thì tất yếu sẽ dẫn tới tình trạng tê liệt các chức năng, làm đình trệ sự phát triển của nó. Sau đây là một vài dẫn chứng để chúng ta thấy được sự nguy hại đó.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, một số trẻ em vô thừa nhận được đem về nuôi ở những cô nhi viện trong một số nước phương Tây do các nhà từ thiện đứng ra trợ giúp. Mặc dầu được ăn uống không thiếu thốn, nhưng trẻ em cứ đau yếu gầy gò, rồi chết dần chết mòn. Số còn lại thì luôn tỏ ra buồn bã, ngớ ngẩn như người mất hồn. Nguyên nhân chính là do trẻ ít được tiếp nhận những ấn tượng từ thế giới bên ngoài. Suốt ngày trẻ chỉ có nằm ngửa, nhìn lên màu trắng lạnh lùng của trần nhà, chỉ nghe thấy tiếng rên rỉ của những bạn nằm bên. Đến giờ ăn, các bà bảo mẫu lặng lẽ đẩy xe thức ăn đến từng giường cho trẻ ăn, mặt che kín bằng chiếc khẩu trang, rồi lại lặng lẽ ra đi. Sự nghèo nàn về ấn tượng bên ngoài như vậy đã làm đình trệ sự phát triển đời sống tinh thần của trẻ và còn ảnh hưởng tai hại tới cả thể chất của chúng…
Rõ ràng trẻ đói ấn tượng bên ngoài cũng như đói ăn vậy.
Trẻ em bình thường hầu như lúc thức tỉnh là chúng muôn thâu tóm cả thế giới xung quanh vào đôi mắt và đôi tai của mình. Do đó cần phải tạo điều kiện cho trẻ tiếp nhận được ấn tượng từ thế giới bên ngoài một cách phong phú, đặc biệt là qua việc nghe và nhìn. Những dải lụa, những quả bóng nhiều màu sắc, những loại đồ chơi kêu leng keng hay phát ra tiếng nhạc, tiếng chút chít của những con vật, những đồ vật nhiều hình nhiều vẻ… những cái đó sẽ làm cho trẻ thơ trở nên hoạt bát, hớn hở và vui vẻ. Mắt và tai như hai cánh cửa quan trọng của tâm hồn trẻ thơ để tiếp nhận những ấn tượng từ thế giới bên ngoài. Chính sự tích lũy những ấn tượng đó là cơ sở để phát triển hoạt động nhận thức và cần thiết phải mở rộng sự tiếp xúc của trẻ với môi trường bên ngoài trong suốt quá trình trẻ lớn lên.
Dạy cho trẻ nghe và nhìn chính là luyện các giác quan của trẻ trở nên tinh nhạy, phát triển được trí thông minh. Tiếc rằng có không ít bà mẹ đã không để ý đến việc này, không những đã làm nghèo đi món ăn tinh thần của trẻ mà nhiều khi còn không phát hiện được kịp thời những khuyết tật về tai và mắt của con mình. Có em bé bị điếc từ lâu mà mẹ không biết. Có cháu suốt ngày bị đặt nằm lệch về một phía đến nỗi méo cả đầu, lác cả mắt mà mẹ cũng chẳng hay. Những sự vô ý đó khiến cho một số trẻ bị mang tật suốt đời.
Nếu chú ý quan sát, ta có thể thấy lúc đến 5, 6 tháng tuổi, trẻ rất thích cầm nắm, sờ mó các đồ vật, và thường là cố trườn người về phía trước để với tới các đồ vật từ xa. Người lớn lúc này cần tạo điều kiện để trẻ tiếp xúc nhiều với đồ chơi, đồ vật, chỉ cho chúng biết từ những vật dụng trong nhà, tới con gà, con vịt, hay bông hoa ở ngoài sân, trong vườn… Khi cho trẻ tiếp xúc với đồ vật, cần dạy cho trẻ một số động tác đơn giản như cầm, nắm, gõ, đẩy… Những động tác đơn giản này chính là những bậc thang quan trọng để sau này trẻ tiến tới sử dụng các đồ vật như người lớn. Những động tác này kích thích trẻ hoạt động như đập, ném, xé… đồ vật. Chớ vội nghĩ rằng đó là việc nghịch ngợm phá phách, mà chính nhờ đó trẻ tiếp thu được những ấn tượng mới, phát triển trí tò mò, muốn tìm hiểu sự vật xung quanh. Ngược lại nếu trẻ không được tạo điều kiện để vận động hướng tới các đồ vật xung quanh thì những cử động của chúng sẽ quay lại phía bản thân như mút tay, sờ mó các bộ phận cơ thể mình, tạo ra một tình trạng thụ động, mất dần đi nhu cầu tiếp nhận ấn tượng từ thế giới bên ngoài, ảnh hưởng tới sự phát triển của chúng. Chẳng hạn hiện tượng mút tay thường xuyên ở một số trẻ đã gây nên một sự ức chế lâu dài của các phản ứng đối với những kích thích bên ngoài, làm cho đứa trẻ trở nên thụ động, chẳng buồn để ý gì đến xung quanh, rất dễ bị mắc bệnh đần độn. Từ chỗ không được tiếp nhận ấn tượng từ thế giới bên ngoài, nhiều cháu bé chỉ còn biết bám riết lấy mẹ, rời mẹ nửa bước là la hét sợ hãi.
Thế giới xung quanh ta có vô vàn sự vật có thể tác động đến trẻ em, nhưng không thể để cho trẻ tiếp nhận một cách tùy tiện những tác động ấy mà không tính tới sự lợi hại của chúng.
Trong năm đầu tiên, do thần kinh và các giác quan của trẻ còn hết sức non nớt, nên cần tránh cho trẻ nghe những âm thanh hay tiếng động có cường độ quá mạnh, quá thô kệch; tránh cho trẻ phải nhìn vào những đồ vật quá sáng, ánh nắng chói chang, hoặc những màu sắc tối sẫm, tẻ nhạt… Người lớn cần biết lựa chọn những ấn tượng bên ngoài sao cho vừa phong phú lại vừa đẹp mắt, đẹp tai. Một lời ru êm ái, một khúc nhạc du dương, một bông hoa tươi sắc, một đồ chơi xinh xắn… tất cả đểu là những món ăn tinh thần cho trẻ. Sớm tiếp xúc với những âm thanh và màu sắc đẹp, đầu óc trẻ trở nên mềm mại, tinh tế, tinh thần trở nên thoải mái, dễ chịu và trẻ sẽ luôn cười vui với mọi người.
Ngược lại, những lời nói tục tằn thô lỗ, những nét mặt cau có, chỗ ăn ở luộm thuộm bẩn thỉu… sẽ làm cho trẻ khó chịu, hay cáu gắt. Lâu dần, trẻ sẽ bị thích nghi với những cái dở, cái xấu ngay từ tấm bé, và đó là mầm mống của những thói hư tật xấu sau này.
Nhu cầu tiếp nhận ấn tượng từ thế giới bên ngoài là một trong những nhu cầu cơ bản thúc đẩy sự phát triển của trẻ. Tạo ra và tổ chức những hoạt động sao cho tác động của thế giới bên ngoài đến với trẻ một cách tích cực nhất là một trong những nhiệm vụ không thể thiếu được của các bậc cha mẹ, cô nuôi dạy trẻ và tất cả những người lớn quan tâm tới sự phát triển của trẻ. Thỏa mãn nhu cầu này là tạo điều kiện cho trẻ định hướng tốt vào môi trường xung quanh và cũng từ đó mà nhận ra bản thân mình.
Có bao nhiêu điều lạ từ thế giới bên ngoài có thể làm giàu cho tinh thần của em bé.
Xin hãy đừng bao giờ để trẻ phải đói màu sắc, đói âm thanh, đói hương vị…!