Một sự đúc kết tài tình mang tính khoa học sâu sắc của nhân dân ta về sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ em được thể hiện trong câu tục ngữ: “Thỏ thẻ như trẻ lên hai”.
Từ tuổi lên hai (tính theo dương lịch), trẻ em bắt đầu bước vào thời kì “phát cảm về ngôn ngữ”, tức là phát triển ngôn ngữ rất nhanh nhờ các trung khu ngôn ngữ ở vỏ não, cơ quan tiếp nhận ngôn ngữ (tai) và cơ quan phát âm (dây thanh đới, họng, môi, lưỡi) đã đến thời kì tương đối hoàn thiện. Ở giai đoạn này trẻ rất ham nói: “Thỏ thẻ như trẻ lên hai”. Đặc biệt từ cuối tuổi lên hai (20 tháng trở đi) cứ tỉnh là trẻ có thể nói suốt ngày, do đó sự phát triển ngôn ngữ đạt được tốc độ rất nhanh, mà sau này lớn lên, khó có giai đoạn nào sánh bằng.
Có được một tốc độ phát triển ngôn ngữ nhanh như vậy là còn nhờ quá trình hoạt động với đồ vật ngày càng tích cực, sự chú ý tìm hiểu của trẻ đối với các thuộc tính, công dụng của đồ vật ngày càng tăng khiến cho trẻ thấy cần có sự giúp đỡ của người lớn ngày càng nhiều hơn, và phương thức giao tiếp với người lớn cũng dần dần được thay đổi. Sự “hướng dẫn câm”, tức là bằng cử chỉ, nét mặt, nay không còn thích hợp nữa, mà phải thay thế bằng sự hướng dẫn bằng lời nói. Để chiếm lĩnh đồ vật, đứa trẻ luôn luôn đặt ra những câu hỏi: “Đây là cái gì?”, “Làm như thế nào?, và trẻ chỉ có thể tiếp nhận sự giúp đỡ của người lớn khi biết giao tiếp bằng lời nói. Đây chính là động lực chủ yếu kích thích sự phát triển ngôn ngữ của trẻ ở thời kì này. Khi đã lẫm chẫm biết đi một mình, trẻ được tiếp xúc với môi trường xung quanh một cách rộng rãi, được thấy bao nhiêu điều mới lạ khiến cho nó muốn kể lại những điều tai nghe mắt thấy cho những người khác cùng nghe.
“Trẻ lên ba cả nhà học nói”. Trẻ đã lôi cuốn cả nhà phải nói theo. Trẻ hỏi, người lớn đáp; người lớn hỏi, trẻ đáp. Những cuộc đối thoại như vậy cứ diễn ra liên tục ngày này qua ngày khác, kéo cả nhà vào cuộc trò chuyện với đủ các loại đề tài phong phú. Nhà có trẻ lên ba thật khó mà giữ được yên tĩnh!
Trẻ hỏi nhiều quá làm cho người lớn đôi khi thấy bực mình, gắt mắng chúng một cách oan uổng. Họ nên biết rằng đây là thời cơ để dạy trẻ nói một cách tốt nhất. Bất cứ người lớn nào trong gia đình cũng cần tranh thủ cơ hội này để dạy cho trẻ nói. Có thể dạy nói cho trẻ vào bất cứ lúc nào, kể cả trong lúc ăn cơm. Ở nhà trẻ Brôm-lây Hít (Bromley Hieath), một nhà trẻ nổi tiếng ở Mĩ, người ta đã tiến hành có kết quả một chương trình nuôi dạy trẻ dưới 3 tuổi, trong đó có việc dạy trẻ nói ngay trong bữa ăn. Trước khi vào bữa ăn, người ta dạy trẻ nói những câu chào mời như: “Cháu mời cô ăn cơm” hay “Tôi mời bạn ăn cơm”. Trong khi ăn, cô nuôi dạy trẻ giới thiệu với trẻ các món ăn như: “cà-rốt màu đỏ”, “đậu cô-ve màu xanh!… và khuyến khích trẻ nhắc lại những câu ấy. Cô chỉ vào một cháu rồi nói: “Rô-be đang ăn”, rồi chỉ vào cháu khác “A-ni-xa cũng đang ăn”, và cũng khuyến khích trẻ nhắc lại. Ngay trong bữa ăn cũng có thể dạy trẻ nói những từ khó hơn, ví dụ những từ diễn đạt khái niệm về lượng và thời gian như: “đậu cô-ve nhiều quá”, “cà-rốt ít hơn”, “ăn đậu trước, ăn cà-rốt sau… Hoặc những từ như: bây giờ!, “hãy đợi”, hay “sắp sửa” v.v. đều có thể dạy trẻ ngay trong bữa ăn. Một bữa ăn có sự giao tiếp vui vẻ giữa người lớn và trẻ con như vậy sẽ rất sinh động, làm cho trẻ ăn thêm ngon mà lại học nói một cách thoải mái.
Cũng bằng cách đó, các bà mẹ khi cho con ăn có thể nói cho trẻ nghe và dạy cho trẻ nói.
Việc phát triển ngôn ngữ của trẻ nhỏ diễn ra theo hai con đường: một là hiểu được lời nói của người khác và hai là nói cho người khác hiểu ý của mình.
Về hiểu lời nói của người khác thì lúc đầu trẻ chỉ hiểu lời nói trong chính hoàn cảnh giao tiếp, nghĩa là trẻ chỉ hiểu được lời nói thể hiện sự vật hay hiện tượng nào đó khi chính sự vật hoặc hiện tượng đó đang xảy ra trước mắt. Thí dụ muốn hiểu được từ “ô-tô” thì phải có trước mắt một cái ô-tô hoặc một bức tranh vẽ ô-tô. Muốn hiểu câu “ô-tô chạy” thì phải được thấy cái ô-tô đang chạy. Lúc đó trẻ tìm được mối liên hệ giữa lời nói với sự vật và hiện tượng xung quanh, tức là hiểu được lời nói. Cũng như vậy, trẻ chỉ phản ứng đúng với lời nói của những người xung quanh nếu các từ ngữ được lặp đi lặp lại nhiều lần cùng với những cử chỉ tương ứng. Thí dụ khi người lớn nói: “Bắt tay nào?” thì đồng thời người lớn cũng phải đưa tay ra bắt lấy tay em bé. Làm như vậy, trẻ sẽ nhanh chóng hành động đáp lại lời nói, vì lúc đó trẻ không những chỉ phản ứng với từ ngữ mà đối với toàn bộ tình huống nói chung, có nghĩa là lời nói phải cộng với hoàn cảnh giao tiếp thì mới tạo thành tín hiệu hành động. Do đó muốn trẻ hiểu được nội dung lời nói của người khác thì cần phải tạo ra tình huống cụ thể.
Càng lớn lên, lúc trẻ đã lên ba, thì tình huống dần dần mất ý nghĩa, vì trẻ đã bắt đầu có thể hiểu các từ ngữ không cần kèm theo tình huống cụ thể. Chính lúc đó, những lời chỉ dẫn của người lớn mới bắt đầu điều khiển được hành vi của trẻ trong những điều kiện khác nhau. Đây là một bước phát triển về chất trong việc hiểu lời nói của người khác.
Thời kì này, trẻ thích lắng nghe người lớn trò chuyện với nhau và cố gắng hiểu những điều người lớn nói . Trẻ cũng bắt đầu thích nghe kể chuyện hay nghe đọc thơ. Những câu chuyện đơn giản về sinh hoạt hàng ngày của trẻ như các câu chuyện về “bé ngoan”, “bé hư”… làm trẻ thích thú tưởng như được nghe kể chuyện về mình. Những truyện cổ tích ngắn, truyện đồng thoại có thể làm cho trẻ nhận thấy trong đó có phần nào giống mình. Những câu thơ giàu hình ảnh, nhạc điệu, những bài đồng dao ngộ nghĩnh có đoạn điệp khúc nhắc đi nhắc lại dễ nhớ… khiến trẻ muốn đọc theo và sẽ nhớ rất lâu. Đây chính là thời cơ thuận lợi để trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ văn học, đặc biệt là văn học dân gian. Thật may mắn cho những cháu bé được sống tuổi lên ba trong những gia đình có truyền thống về sinh hoạt văn học: được nghe những lời nói mang tính văn chương, làm cho việc học nói thêm thuận lợi và sẽ ảnh hưởng sâu xa đến việc hun đúc nên tâm hồn dân tộc cho mỗi đứa trẻ.
Ngược lại, nếu ở tuổi lên ba mà trẻ không có điều kiện giao tiếp, không được nghe nói cũng như không được nói chuyện với ai thì không những ngôn ngữ kém phát triển mà cả các mặt khác cũng bị trì trệ theo. Đây là một tình trạng khá phổ biến trong nhiều nhóm trẻ hiện nay cần sớm được khắc phục. Ở những nhóm trẻ này, suốt ngày trẻ hầu như câm lặng, thỉnh thoảng lại nghe tiếng khóc thét hoặc tiếng ú ớ trẻ nói với nhau. Cô nuôi dạy trẻ, phần thì không quan tâm, phần thì bận quá nhiều việc, từ việc ăn tối việc làm vệ sinh… gây mệt mỏi, chẳng còn thời gian và sức lực để trò chuyện với các cháu, do đó việc dạy cho trẻ nói gần như không thực hiện được. Đó cũng chính là những thiệt thòi của các cháu. Một số công trình nghiên cứu ở nước ta cũng đã cho thấy: vào tuổi học nói, ngôn ngữ của trẻ em gửi ở một số nhà trẻ phát triển kém hẳn so với ngôn ngữ của các cháu được ở nhà với bà, với mẹ. Rõ ràng thiếu sự giao tiếp và sự quan tâm của người lớn thì trẻ sẽ bị chậm phát triển về ngôn ngữ. Mặt khác, nếu người lớn lại quá sốt sắng, đón được ý muôn của trẻ quá nhanh và vội vàng đáp ứng đòi hỏi của trẻ thì trẻ sẽ trở nên lười nói, nếu kéo dài sẽ lại là một tật xấu ảnh hưởng tới sự phát triển ngôn ngữ. Do đó, người lớn cần bắt trẻ phải cố gắng diễn đạt ý muốn của mình cho rõ ràng, sau đó mới đáp ứng yêu cầu của trẻ.
Trong thời kì học nói, ngôn ngữ của trẻ không hoàn toàn giống với ngôn ngữ của người lớn. Trẻ thường hay nói chớt, nói ngọng (kẹo thì nói thành “chẹo”, thịt thì nói thành “xịt”, bánh thì nói thành “bắn”… đôi khi còn nói ra những từ mà người lớn không dùng như con chó thì gọi là “con âu”, con lợn thì gọi là “con ụt”… Cách nói này có thể có từ ba nguyên nhân: một là do các bà mẹ và những cô nuôi dạy trẻ thường hay dùng cách nói chả chớt, ngọng nghịu, nhại lại theo kiểu của trẻ để nói với trẻ, cho rằng phải nói kiểu ấy thì trẻ mới chóng hiểu (những từ như “măm măm”, “ti ti”… vì thế mà đã lưu truyền qua bao nhiêu thế hệ); hai là do trẻ tạo ra trên cơ sở các cơ quan thực hiện chức năng ngôn ngữ (nghe và nói) của trẻ chưa được thành thục nên trẻ chưa nghe được đầy đủ các âm tố và vì thế cũng chưa phát âm theo được một cách trọn vẹn; ba là do trẻ bịa ra khi chúng đứng trước những sự vật và hiện tượng mới lạ mà chúng chưa biết gọi tên là gì. Hiện tượng này được gọi là “ngôn ngữ tự trị” của trẻ. Loại ngôn ngữ này sẽ nhanh chóng mất đi nếu trẻ được người lớn thường xuyên chỉ bảo, uốn nắn và đòi hỏi chúng phải tập phát âm cho chuẩn.
Có trường hợp hai em bé sinh đôi ở một gia đình nọ, do bố mẹ mải bận làm ăn nên thường đem nhốt chúng vào một phòng để chúng chơi với nhau. Thế là ngày này qua ngày khác, hai em bé chỉ biết giao tiếp với nhau bằng “ngôn ngữ tự trị”. Do đó trong gia đình, từ ông bà đến cha mẹ, anh chị đều cần tranh thủ lúc này để dạy bé nói năng sao cho tốt nhất. Không chỉ dạy phát âm sao cho tròn vành rõ chữ mà dạy cả những lời nói đẹp, biết chào hỏi, biết xin lỗi… Qua đó mà dạy cả cách ứng xử tốt đẹp với mọi người xung quanh.
Một nhà thơ Đa-ghe-xtan đã nói: khi chết, người cha để lại cho con cái mình nhà cửa, ruộng vườn, thanh gươm và cây đàn Páp-đua. Nhưng một thế hệ mất đi thì để lại cho thế hệ sau tiếng nói. Ai có tiếng nói thì người ấy sẽ xây được nhà, cày được ruộng, đúc được kiếm, lên được dây đàn Páp-đua và gảy được nó” (Gam -dát Xa-đắc).