(Hiểu lòng con trẻ qua một bài thơ của Trần Đăng Khoa)
Có lần Trần Đăng Khoa hỏi tôi: “Cô có biết ý em định nói gì trong bài Đánh tam cúc không?”
Đánh tam cúc, một bài thơ của Trần Đăng Khoa viết lúc lên chín về một sự kiện khá lí thú. Đó là việc bé Giang, bốn tuổi (em gái của Trần Đăng Khoa) đánh tam cúc với con mèo khoang khi cả nhà đi vắng.
Nghe Khoa hỏi, tôi nhố lại lời bình của nhà thơ Xuân Diệu về bài thơ ấy đã in trong cuốn Và cây đời mãi mãi xanh tươi của ông.
Trong lời bình của mình, nhà thơ Xuân Diệu đã khen bé Giang là biết nhường nhịn cho bé Mèo thắng cuộc ngay từ trận đầu:
Quân này mày được
Quân này tao chui
Được thắng trận bé Mèo rất khoái chí:
Mèo ta phổng mũi
Ngoao ngoao một hồi
Nhưng đến trận sau thì tình thế xoay chuyển:
Quân này mày chui
Quân này tao được
Bé Giang được cuộc thi:
Mèo bỗng dỏng tai
Mắt xanh như nước
Bé Mèo thật là không biết điều. Ván trước nó được rồi thì đến ván sau bé Giang phải được mới công bằng chứ, thế mà nó lại ngạc nhiên và tỏ vẻ không bằng lòng. Tình thế thật gay go, lúc này bé Giang lại nhường nốt cho nó thắng thêm một ván nữa:
À thôi mày được
Bé Giang dỗ dành
Cử chỉ tốt đẹp này của bé Giang thật là đáng khen, nhưng bé Mèo được cuộc rồi trở nên ngạo mạn:
Mèo thè lưỡi đỏ
Liếm vào răng nanh
Nhà thơ Xuân Diệu cho rằng: “Sở dĩ bé Giang biết nhường nhịn bạn trong khi chơi là vì bé Giang là một bé Người. Cái tình người ở bé Giang thật là cao đẹp. Đó cũng là tình người của nhà thơ trẻ con Trần Đăng Khoa”.
Lời bình đó của nhà thơ Xuân Diệu thật là ý nhị, nhưng lạ thay, nó vẫn chưa thật trúng ý của tác giả bài thơ. Đành rằng người bình thơ có thể phát hiện thêm những ý nghĩa của một bài thơ mà nhiều khi tác giả của nó chưa hề nghĩ đến. Đó cũng là tài năng của người bình thơ.
Khoa tâm sự: “Em rất thương những em bé mới lên bốn, lên năm như bé Giang mà mỗi khi bố mẹ, anh chị đi vắng cả lại không có bạn bè phải lủi thủi ở nhà một mình, chẳng có ai chơi với, thật là tội nghiệp!”.
Chính trong cảnh cô đơn ấy, bé Giang đã phải rủ rê con mèo khoang của nhà ra đánh tam cúc với mình:
Bố vào lò gạch
Mẹ ra đồng cày
Anh đi công tác
Chị săn máy bay
Cả nhà vắng hết
Chỉ còn bé Giang
Bé đánh tam cúc
Với con mèo khoang…
Nhưng chơi với mèo đâu phải là dễ, nó luôn luôn bắt nạt mình. Lúc nó thắng thì được, còn lúc bị thua thì nó không chịu, nó lại trợn tròn mắt xanh ra để doạ và còn có nguy cơ nữa là nó có thể bỏ cuộc. Cho nên bé Giang đành phải làm lành, nịnh nó một lần nữa, cho nó thắng trận cả hai lần. Thôi thì mình đành chịu thua trận vậy, còn hơn là phải chơi một mình, phải chịu cô đơn.
Tôi liên tưởng đến tâm trạng buồn nhớ của em Cẩm Thơ trong bài Một mình:
Phải ở nhà một mình với nhớ…
Em chỉ sợ ba má đi lâu
Cái cửa rộng rênh
Cái nhà cũng vắng
Ngay như Cẩm Thơ khi đã lên chín, lên mười rồi mà vẫn sợ ở nhà một mình nữa là nói chi đến bé Giang mới lên bốn.
Ai có thấu nỗi buồn khi em bé phải ở nhà một mình? Nhất là khi muốn chơi lại không biết chơi với ai. Ở cái tuổi lên bốn, lên năm như bé Giang, chơi là phải có bạn để đóng vai này, vai nọ, chơi là phải có nhiều người mới vui, mới thành trò chơi.
Bởi vì trong trò chơi mình rất cần cho người khác mà người khác cũng rất cần cho mình. Có nhiều người cùng chơi sẽ dễ bắt chước người lớn, họ đang làm gì và mô phỏng lại những mối quan hệ giữa họ với nhau, rồi lại được đắm mình vào trong những mối quan hệ ấy mà trải nghiệm, mà rung động. Đó chính là một nhu cầu bức thiết của trẻ nhỏ.
Nhiều ông bố, bà mẹ vì một lí do nào đó đành phải nhốt con ở nhà ruột mình, thương con, họ mua thật nhiều đồ chơi đẹp cho nó, để cả bánh kẹo trong nhà. Nhưng họ có biết đâu rằng, trong khi chơi mà chỉ có một mình thì dù đồ chơi có nhiều, có đẹp đến mấy cũng chẳng có nghĩa lí gì. Lúc đó nỗi cô đơn thường xâm chiếm tâm hồn đứa bé, nó chỉ thấy trống trải và buồn nhớ. Nhiều em bé vì thế mà mắc bệnh, người ta gọi đó là bệnh cô đơn hay bệnh cách li (hospitalisme) mà sinh ra trầm cảm. Lâm vào tình cảnh đó, trong đầu óc em bé thiếu hẳn đi những mối quan hệ giữa nó với bạn bè, giữa nó với những người thân thích, thiếu nhiều người để chuyện trò, để giao tiếp.
Ý nghĩa của việc giao tiếp đối với sự phát triển của trẻ em khó mà đánh giá hết được. Giao tiếp cần cho trẻ em biết bao, chẳng khác gì cơm ăn, nước uống hàng ngày. Thiếu giao tiếp, đứa bé dù được nuôi dưỡng chu đáo đến đâu, nó vẫn chậm phát triển về mọi mặt. Thiếu giao tiếp đứa bé sẽ trở nên khô héo, lạnh lùng và khi lớn lên nó sẽ thờ ơ đốì với mọi việc xung quanh. Ở một số nước tiên tiến, người ta coi việc người lớn nhốt trẻ “trong nhà” một mình là một tội ác và cũng bị luật pháp trừng trị.
Cậu bé Khoa tuy mới lên chín, chưa có kinh nghiệm hiểu người, nhưng với một tâm hồn trẻ thơ và nhạy bén, Khoa đã có một lòng thương cảm sâu sắc với nỗi cô đơn của những em bé khi phải ở nhà một mình.