“Đố ai ngồi võng không đưa
Ru con không hát, đò đưa không chèo”
Có lẽ trên thế giới này, không có một dân tộc nào lại không có những khúc hát ru, và không một bà mẹ nào lại không hát ru con, cho dù tiếng hát có vụng về đến đâu. Mẹ nuôi con bằng dòng sữa đầy chất dinh dưỡng cho cơ thể non nớt của em bé, nhưng cũng bằng cả dòng âm thanh ân tình nhất bồi bổ cho tâm hồn của trẻ thơ: đó là những tiếng hát ru của tình mẫu tử mà không một nghệ sĩ thiên tài nào có thể làm thay được.
Hát ru mang theo những giá trị văn hóa của loài người, lần đầu tiên được chính mỗi người mẹ đem lại cho đứa con của mình.
Đối với trẻ, nghe mẹ hát ru là một niềm vui không gì có thể so sánh được, bởi hành động hát ru mang tính tích hợp cao, bao hàm trong đó nhiều mặt: nghệ thuật, giáo dục, dinh dưỡng… Trong tiếng hát ru có cả mùi vị của dòng sữa thơm lành (mà các nhà dinh dưỡng học đã khẳng định rằng lượng sữa sẽ nhiều khi người mẹ vừa hát vừa cho con bú), có những lời nói nựng, có sự vỗ về nhịp nhàng, êm ái, và có âm thanh ngọt ngào của lời ca.
Cho dù có nhiều yếu tố hợp thành, nói đến hát ru trước tiên phải nói đến âm nhạc. Âm nhạc trong tiếng hát ru của bất cứ dân tộc nào cũng đều mang tính chất du dương, nhẹ nhàng, tha thiết. Nó được người mẹ diễn đạt với tất cả tấm lòng yêu thương của mình. Hát ru đưa em bé đi vào giấc ngủ một cách bình yên, ngon lành, làm dịu đi mọi cơn hờn dỗi, thậm chí làm lành đi những cơn đau đớn. Hơn thế nữa, bằng cách thấm dần qua năm tháng nó còn góp phần hun đúc nên những phẩm chất cao đẹp của tâm hồn, làm nảy sinh những năng khiếu quý báu sau này.
Tiếng “Ầu ơ” hay tiếng “À ơi” từ những tiếng nựng nịu dỗ dành của người mẹ mô phỏng cách phát âm của trẻ lúc trẻ hóng chuyện, đã trở thành khúc nhạc dạo đầu cần thiết cho những khúc hát ru sau này. Có thể coi đây như những tín hiệu đặc trưng để mẹ và con trao đổi và hiểu ý của nhau. Khi đứa trẻ còn bé, chưa sử dụng được hệ thống tín hiệu ngôn ngữ để giao tiếp thì chính người mẹ đã đem đến cho con mình những âm điệu đầu tiên của thứ ngôn ngữ trực tiếp của tâm hồn: đó là âm nhạc. Sự cảm thụ say sưa nhất của trẻ thơ cũng như sự rung cảm chân thành nhất của người mẹ không phải ở một thứ ngôn ngữ cụ thể nào khác mà là chính ở những tiếng “Ầu ơ” hay “À ơi” ấy. Em bé rất thích nghe tiếng hát ru của mẹ, và rất tự nhiên, người mẹ đã trở thành người nghệ sĩ đầu tiên đem âm nhạc để nuôi dưỡng tâm hồn cho con.
Nhiều nhạc sĩ bậc thầy trên thế giới đã cho rằng muốn bồi bổ năng khiếu cho những tài năng âm nhạc, thì đứa trẻ phải được giáo dục âm nhạc từ khi còn rất bé, thậm chí khi còn nằm trong bụng mẹ, nghĩa là ngay từ khi thai nghén, người mẹ cần được nghe những khúc dân ca hay, những bản nhạc thật hay.
Em bé tiếp nhận hát ru trước hết là phần âm nhạc ở đó. Hát ru chính là bài học vỡ lòng về âm nhạc cho cả một đời người.
Cùng với âm nhạc, lời ru cũng còn có nhiều tác dụng tích cực khác đối với sự phát triển của trẻ. Trước hết, lời ru kích thích tai nghe ngôn ngữ, làm sống dậy sự hoạt động của các trung khu thực hiện chức năng ngôn ngữ trên vỏ não. Những câu hát ru như “Bồng bồng, bống bống, bang bang” hay “Cái cò cái vạc, cái nông”… làm cho trẻ nhận ra những sắc thái khác nhau của âm thanh, những vần điệu uyển chuyển trong tiếng mẹ đẻ, đặc biệt là những thanh điệu giàu nhạc tính của tiếng Việt, để rồi sau này biết nghe, biết nói, biết sử dụng tiếng mẹ đẻ một cách thành thạo. Trẻ làm sao có thể hiểu được hết nội dung của những câu hát mẹ ru, nhưng ngày một ngày hai, lời ru cứ thấm dần vào tâm hồn em bé, hình thành trong em bé phong cách ngôn ngữ dân tộc, bản sắc của tâm hồn Việt Nam.
Nhiều câu hát ru về thực chất là những bài học đạo đức thẩm mỹ ban đầu. Qua lời ru, mẹ đem cho con những lời ăn tiếng nói, những cái đẹp trong đời sống văn hóa của con người. Bằng trực cảm vô thức, nghe lời mẹ ru, trẻ có thể cảm nhận được những ý niệm về thiện và ác, tốt và xấu. Bằng lời ru, mẹ dạy cho con những hiểu biết về đời sống xung quanh, đưa con vào thế giới của những giá trị văn hóa của xã hội mà gia đình đã thừa nhận và thực hiện trong đời sống hàng ngày. Bằng trực giác, trẻ có thể cảm nhận nền văn hóa truyền thống đó. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng đối với quá trình hình thành nhân cách con người. Những mầm mống tốt đẹp của lòng nhân ái được gieo vào đầu óc non nớt của trẻ thơ qua tiếng hát ru của mẹ chính là tiền đề cho những phẩm chất tốt đẹp và năng khiếu thẩm mỹ nảy nở sau này.
Quên đi lời ru của mẹ cũng tức là đã bỏ quên những giá trị văn hóa cội nguồn của dân tộc. Những bà mẹ Việt Nam, bằng những câu hát ru, đã trở thành những bảo tàng sống động, góp phần gìn giữ, lưu truyền cho thế hệ nối tiếp những giá trị tinh thần tốt đẹp của cha ông để lại – bản sắc riêng biệt của tâm hồn Việt Nam. Đó là chất miễn dịch chống lại sự tha hóa của con người, là chất đề kháng chống lại những thói hư tật xấu có thể thâm nhập bất cứ lúc nào vào trẻ thơ.
Hát ru là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thi ca và âm nhạc. Từ một hành động mang tính tự phát, hát ru dần dần trở thành một hình thức nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu về văn hóa của tuổi thơ và chính hát ru đã góp phần tạo cho đứa trẻ trở thành một con người có văn hóa sau này.
Rõ ràng hát ru là một hiện tượng văn hóa, thông qua đó, người mẹ dạy con cách thưởng thức, làm quen với nghệ thuật âm nhạc và thi ca, bồi dưỡng cho con năng lực thẩm mỹ biết yêu cái đẹp, yêu thiên nhiên, yêu con người, từ đó mà hun đúc cho con lòng nhân ái, một phẩm giá cao đẹp nhất của loài người. Thật khó có thể quên được những câu ca như:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Hay câu:
“Cái bống là cái bống bang
Thổi cơm nấu nước cả làng cùng ăn”…
Khi phân tích tiếng hát ru, chúng ta không thể nào bỏ qua một nhân tố mang tính “cảm xúc – sinh lí” vô cùng quan trọng: đó là sự vỗ về, đung đưa, rung lắc nhịp nhàng, đều đặn, khi bế em nhỏ trên tay hoặc đặt em bé nằm trong nôi hay trên võng. Có thể coi đây như một đặc trưng không thể thiếu được của việc hát ru, thiếu nó thì hát ru sẽ chỉ là một bài hát bình thường.
Ở một số nước công nghiệp, đã có lúc người ta nghĩ tối việc “giải phóng” cho những người mẹ khỏi cái công việc vỗ về đung đưa này, bằng cách cho thu những khúc hát ru vào băng cát-xét và dùng để phát ra lúc cần cho trẻ đi ngủ. Nhưng người ta đã phát hiện ra rằng đứa trẻ chỉ dỏng mắt ra mà nghe, sau đó lâu lắm mới ngủ được. Quan sát trong nhiều trường hợp chỉ cho nghe băng mà thiếu đi sự rung lắc, nhất là sự vỗ về của người mẹ trước khi đặt trẻ vào nôi hay vào võng, trẻ thường trằn trọc khá lâu mới ngủ, và khi ngủ thường bị giật mình như bị chông chênh, hẫng hụt. Thậm chí có em bé vì nghe quá nhiều lần một băng nhạc nào đó, nên cứ mỗi lần âm thanh từ băng cát-xét ấy phát ra là nó khóc thét lên vì biết là mẹ nó lúc đó không còn ở đó nữa. Chính cái cảm giác cô đơn, xa mẹ, không an toàn xâm chiếm lấy em bé và làm cho nó hoảng sợ.
Tất nhiên người mẹ không cần phải cứ rung lắc, đung đưa suốt thời gian bé ngủ, nhưng sự rung lắc nhẹ nhàng ban đầu để đưa trẻ vào giấc ngủ một cách ngon lành, thoải mái là điều không thể thiếu được. Được vỗ về, rung lắc là một nhu cầu của trẻ thơ. Hầu như tất cả các dân tộc trên thế giới đều có những chiếc nôi. Hình dáng có thể khác nhau, nhưng công dụng chỉ là một. Ở Việt Nam và nhiều nước châu Á, còn có cánh võng. Tiếng võng kẽo kà kẽo kẹt đã đi vào tuổi thơ của bao thế hệ người Việt Nam chúng ta. Tiếng võng theo chúng ta suốt cả cuộc đời. Những người phải xa quê hương, sống nơi đất khách quê người, làm sao quên được “trưa hè, bà ru cháu, tiếng võng kẽo cà kẽo kẹt”… Nó như tiếng gọi khôn nguôi của quê hương đất nước mà không có bất cứ một loại âm nhạc nào có thể thay thế được.
Động tác đung đưa, rung lắc cần thực hiện theo một tiết tấu phù hợp với từng tình huống, phù hợp với tính tình của từng đứa trẻ (thức, ngủ, tình trạng sức khỏe…) nhưng không quá mạnh.
Sự rung lắc, đung đưa không chỉ cần cho trẻ nhỏ mà cũng có tác dụng cả với người lớn, nhất là đối với người già. Ở một bệnh viện tâm thần của Mun-khen-xeo (thuộc Liên Xô cũ), người ta đã chứng minh rằng những “chiếc nôi” đung đưa theo một tiết tấu đều đặn có khả năng làm cho thần kinh con người được thoải mái, không chỉ với người bị rối loạn tâm thần mà cả với người khỏe mạnh. Kết quả là bệnh nhân có được giấc ngủ sâu hơn, sức khỏe tăng lên nhiều lần mà không cần tới các loại thuốc an thần. Chả thế mà các cụ già thường thích ngồi trong ghế “xích đu”, vừa đung đưa, vừa rung đùi, tạo cho mình một sự thoải mái dễ chịu.
Có những em bé bất hạnh, lúc lọt lòng đã không có được sự ôm ấp vỗ về của người lớn. Chúng đã buộc phải “tự tỏa” để thỏa mãn nhu cầu đó. Các nhà từ thiện của Tổ chức cứu trợ trẻ em Rädda Barnen của Thụy Điển đã làm một cuốn phim về một trại trẻ mồ côi ở Gioóc-đa-ni, trong đó họ đã ghi lại nhiều hình ảnh trẻ em “tự tỏa” trông thật thương tâm: em bé nằm vật vã trên chiếc giường trống không, đầu ngọ nguậy liên tục hết nghiêng bên trái lại nghiêng sang bên phải; có em bé ngồi ngay giữa giường mà rung cả hai chân, thân hình như bị động kinh, đầu gật lia lịa như người say rượu; có em đứng vịn vào thành giường cũi, tự đập mình vào thành giường hay đập đầu vào tường để tự tạo ra sự rung lắc, đung đưa mà nó đang có nhu cầu.
Sự đòi hỏi được vỗ về, đung đưa của trẻ nhỏ là một nhu cầu thực sự mà người lớn phải đáp ứng, chứ không nên vội quy kết cho trẻ cái tội là hay “quấy”, khó tính khó nết.
Tóm lại, hát ru không chỉ là thiên chức của tất cả những người mẹ trên thế giới này, mà do tính chất tích hợp của nó, hát ru có khả năng mang lại hiệu quả tuyệt vời đối với trẻ em cả về tâm lí cũng như về sinh lí.
Gần đây, nhiều tài liệu về nuôi dạy trẻ cũng như nhiều tạp chí nghiên cứu giáo dục và báo chí ở nước ta đã lên tiếng báo động về sự vắng bóng của những khúc hát ru trong sinh hoạt gia đình của những cặp vợ chồng trẻ. Đây là điều có thực và rõ ràng là một thiếu sót đáng tiếc nếu chúng ta không tìm cách để khắc phục một cách kịp thời và khẩn trương.
Điều có thể làm ngay trước mắt là động viên khuyến khích những người mẹ trẻ hãy học cho được những làn điệu hát ru cổ truyền ở ngay chính miền quê của mình. Người hướng dẫn gần gũi nhất chính là những người mẹ, người bà của mỗi cô gái trẻ. Những khúc hát ru của ba miền đất nước, của các dân tộc thiểu số anh em v.v. mang biết bao âm hưởng đẹp và sâu lắng. Học những điệu hát ru cổ truyền không chỉ giúp người mẹ trẻ trong chính việc nuôi dạy con, mà còn là một cách hữu hiệu nhất để duy trì, phát huy truyền thống của nền văn hóa dân tộc ngay trong từng gia đình, những tế bào làm nên xã hội Việt Nam hôm nay và mãi mãi sau này.
Bên cạnh những khúc hát ru cổ truyền, sự đóng góp của các nhạc sĩ và các nhà thơ trong việc sáng tác những khúc hát ru mới, vừa kế thừa những âm hưởng cổ truyền, vừa bổ sung những nhân tố âm nhạc mới của cuộc sống đương đại là điều rất cần được khuyến khích. Nên chăng tổ chức những câu lạc bộ hát ru dưới sự bảo trợ của Hội liên hiệp phụ nữ các cấp; những cuộc liên hoan hát ru ở các cơ sở, để các bà mẹ trao đổi với nhau những làn điệu hay, những câu thơ tinh túy.
Mong sao truyền thống hát ru của những bà mẹ Việt Nam sẽ chẳng bao giờ bị gián đoạn. Thế hệ con cháu sau này sẽ đời đời biết ơn các bà mẹ về những tiếng hát ru đầy ân tình đó.
Chất dinh dưỡng quý báu đó lẽ nào những người mẹ lại lãng quên?