Bà mẹ của những tâm hồn thơ

Người mẹ – Nghệ sĩ

Tôi muốn được kể lại với các bạn về một bà mẹ nông dân bình thường như rất nhiều bà mẹ nông dân chúng ta có thể gặp ở các làng quê.

Tôi đã gặp mẹ em Trần Đăng Khoa khá nhiều lần vào những thời gian khác nhau, và tôi đã nhận ra rằng bà là một người mẹ có văn hóa. Không phải ngẫu nhiên mà tất cả bốn người con của bà đều yêu thích nghệ thuật, biết làm thơ, biết hát chèo.

Nhuận Minh, người con trai bà đã yêu thơ ca từ lúc còn rất bé, và bắt đầu làm thơ từ những năm học cấp I. Anh đã được nhiều giải thưởng về thơ, và hiện nay là nhà thơ trẻ của vùng mỏ Quảng Ninh.

Thanh Bình, cô con gái lớn vừa yêu thơ, lại giỏi hát chèo. Cô rất được bà con hâm mộ qua nhiều vai chèo cổ, đặc biệt là vai Thị Mầu.

Trần Đăng Khoa, người con thứ ba của bà, đã sớm bộc lộ tài năng đặc biệt về thơ ca.

Thúy Giang, cô gái út, làm thơ còn sớm hơn cả hai anh của mình. Sáu tuổi, Giang đã viết được những câu thơ rất đáng yêu về con lợn, con gà, về mảnh vườn nhà em:

Cái vườn nho nhỏ

Cô gió đến chơi

Cô đưa võng đỏ

Ru chú mặt trời…

Cả bốn anh chị em trong gia đình đều được cái may mắn là ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời đã được tiếp xúc ngay với một người nghệ sĩ: Đó chính là người mẹ của mình! Nếu hiểu bản chất của việc làm nghệ thuật là nhằm khơi dậy cho mọi người những cảm xúc thẩm mỹ, những tình cảm đối với con người, thì bà quả là một người mẹ – nghệ sĩ. Bà thường ru con bằng những lời thơ đầy nhạc tính và giàu hình ảnh, rồi những lời hay ý đẹp cứ ngày một, ngày hai thấm vào con trẻ và những âm điệu dân ca đã đọng lại trong ký ức non nớt của tuổi thơ các em. Kì diệu thay những bài hát ru của những bà mẹ Việt Nam! Trong thực tế đâu phải những người mẹ khi ru con đã hiểu được tất cả tác dụng to lớn của lời ru đối với đứa con? Qua lời ru của mẹ, bé đi vào giấc ngủ với một cảm giác lâng lâng. Có thể bé chưa hiểu biết gì về ý nghĩa của lời ru, nhưng những ấn tượng về âm thanh đó đã khơi dậy những tình cảm ban đầu của bé: Bé tiếp nhận một cách tự nhiên sự âu yếm chứa đựng ngay trong âm điệu lời ru của người mẹ. Một âm điệu man mác, kèm theo một nét mặt thoáng buồn; một âm điệu tươi sáng đi đôi với một nụ cười hồn hậu. Thông thường đó là cách biểu hiện rõ tình cảm hết sức chân thực của người mẹ, và chính nó góp phần hình thành ở em bé một tâm hồn nhạy cảm. Em bé làm quen dần với những sắc thái trong giọng nói con người, thích nghe những câu nói có vần điệu uyển chuyển, nhịp nhàng, và dần dần cũng muốn học theo lối nói như vậy.

Với Trần Đăng Khoa ngay từ khi còn bé, em đã thích nghe những lời nói dịu dàng, tập nói những câu hay và rất ghét thói nói tục, chửi bậy. Lời hay, ý đẹp giúp em có một đời sống tinh thần đẹp và sau này viết nên những vần thơ đẹp. Chính được sống trong một môi trường giàu âm hưởng thơ ca như vậy, Khoa đã có điều kiện để tự mình khám phá ra cái đẹp ngay trong tiếng nói dân tộc. Việc khám phá ra cái đẹp trong tiếng nói chính là bước đi đầu tiên đồng thời cũng là bước đi quan trọng nhất vào thế giới của cái đẹp.

Ngay từ bé, em đã thích những câu thơ hay để ngân nga, mặc dầu em chưa hề biết chữ:

Cỏ non xanh rợn chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa…

Hay

Lơ thơ tơ liễu buông mành

Con oanh học nói trên cành mỉa mai.

Có người đã gọi người Mẹ là người nghệ sĩ đầu tiên của các con mình. Bà mẹ của Khoa rất xứng với danh hiệu cáo quý ấy. Bà đã có công đầu trong việc nuôi dưỡng những mầm mống nghệ thuật trong các con. Đây cũng không phải là trường hợp cá biệt, và theo sự điều tra của tôi trên gần một trăm nhà thơ quen biết của nhân dân ta, thì phần lớn đều đã có được những bà mẹ – nghệ sĩ như vậy.

Người dẫn dắt các con vào thế giới của tưởng tượng

Ngôn ngữ giàu nhạc tính, giàu hình tượng của thơ ca mà bà mẹ em Khoa thường đọc hoặc hát cho con nghe cứ ngày một ngày hai gieo vào tâm hồn em những điều mới lạ, đó chính là những bước đầu tiên đưa con vào thế giới của tưởng tượng.

Cùng với việc ngâm thơ, đọc thơ, cho các em làm quen với ca dao, tục ngữ trong sinh hoạt hàng ngày, bà lại thường hay kể chuyện cổ tích cho các con nghe. Có thể nói đây cũng là một nét khá đặc sắc trong đời sống tinh thần của gia đình này, bởi ngay cả bà ngoại em Khoa cũng là người thích thơ ca, hay truyền lại cho các cháu của mình những tích chèo nổi tiếng như Lưu Bình – Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính … bằng rất nhiều làn điệu phong phú. Đối với trẻ em, còn gì thú hơn là được xúm lại quanh mẹ, hồi hộp nghe mẹ kể chuyện cổ tích. Mẹ em Khoa lại nhớ được rất nhiều truyện cổ tích. Bé Khoa đã phải kêu lên một cách thán phục: “Trong bụng mẹ chứa đầy truyện cổ tích”.

Bà kể chuyện rấ t có duyên, hiểu được tâm lí của người nghe. Vào những đêm trăng sáng hay những lúc rỗi rãi, bà kể chuyện cho các con nghe và cho cả lũ trẻ hàng xóm cùng nghe. Với giọng kể thật hấp dẫn, một thế giới kì ảo hiện ra trước mắt các em. Bà đã kể cho các em nào là chuyện cô Tấm chui ra từ quả thị, chuyện Sơn Tinh đắp núi cho cao để chống Thủy Tinh, chuyện Diêm vương bắt bỏ vào vạc dầu sôi những kẻ gian ác, rồi chuyện anh Trương Chi “người thì thật xấu hát thì thật hay”, hay chuyện niêu cơm của Thạch Sanh ăn mãi mà chẳng hết… Bao nhiêu loại người khác nhau, loại người tốt sao gần gũi, mến thương, loại người xấu sao vừa ghét lại vừa sợ… Những phong cảnh xa lạ từ những khu rừng rậm rạp bí hiểm, đến biển cả mênh mông, những lâu đài tráng lệ, những con thú chưa hề thấy… tất cả đã nhập vào tâm hồn của các em bé ở giữa vùng đồng bằng này với những màu sắc lung linh, kì ảo. Người kể chuyện , bằng tài diễn đạt của mình, đã dẫn dắt các em vào thế giới của thần thoại. Tâm hồn các em được rộng mở, trí tưởng tượng được kích thích mạnh mẽ thôi thúc các em muốn khám phá những điều kì lạ và lí thú trong các câu chuyện hết sức hấp dẫn mà các em chưa hề được mắt thấy tai nghe. Có phải cảnh hội hè ngày xưa trong chuyện Tấm Cám đã khiến Khoa hình dung ra đám rước lung linh dưới đáy biển?

Tôi biết từng đàn sứa

Giương ô đi trong hội lân tinh.

Ở đây tôi muốn được lưu ý các bạn tới một vấn đề mang ý nghĩa giáo dục hết sức quan trọng mà không phải ai cũng dễ dàng nhận thức được ngay. Lênin đã từng nói : “Người ta sẽ nhầm nếu cho rằng trí tưởng tượng chỉ cần cho nhà thơ. Đó là một định kiến ngu xuẩn. Ngay cả trong toán học, trí tưởng tượng cũng cần thiết; việc phát minh ra vi phân và tích phân cũng sẽ không thể có được nếu không có trí tưởng tượng. Trí tưởng tượng là một phẩm chất vô cùng quý giá”.

Ở trẻ em, trí tưởng tượng vốn được phát triển rất sớm và thường được vận dụng để tìm hiểu thế giới xung quanh. Nếu không kích thích cho nó phát triển thì tự nó sẽ có nguy cơ bị thui chột đi, và như vậy các em nhỏ của chúng ta sẽ mắc vào tình trạng tạm gọi là “thiết thực hóa” hay “thực dụng”, nghĩa là các em chỉ còn biết đến các thực tế nhỏ hẹp và rất hạn chế quanh quẩn trước mắt mình, mà không thể hình dung ra cũng như không thể chấp nhận được những cái mà chúng chưa hề nghe, chưa hề thấy hoặc chưa được đụng chạm đến, mặc dầu có cái tuy trong hiện tại thì chưa có nhưng rất có thể sau này lại có. Xã hội loài người sẽ ngưng đọng lại, trì trệ đi biết bao, nếu không có những phát minh sáng chế khoa học mà bước đầu cũng là do trí tưởng tượng kích thích, những phép thần thông biến hóa, những cuộc “đi mây về gió” của Tôn Ngộ Không, những chiếc thảm biết bay… trong các truyện cổ tích, ngày nay đâu có còn là điều kì lạ, khi bằng những phát minh khoa học táo bạo, con người đã có thể đi vào vũ trụ, thoắt ở nơi này, thoắt lại ở nơi kia, bao phép mầu trước đây nay đã thành hiện thực.

Trí tưởng tượng giúp loài người sáng tạo ra những cái mới, hình thành những ước mơ táo bạo, những hoài bão về cuộc sống tương lai, và chính nó đã giúp cho khoa học, nghệ thuật phát triển. Ở lĩnh vực thơ, trí tưởng tượng lại cần thiết biết bao?

Những năm còn bé, Trần Đăng Khoa đã được sống trong không khí của những câu chuyện cổ tích mà mẹ em đã kể với tất cả lòng say sưa của mình. Và em cũng phải tưởng tượng mới hiểu được. Thế giới xung quanh em vì thế mà trở nên kì ảo và lí thú vô cùng. Em đã viết lại cho chúng ta và cho các bạn đọc nhỏ tuổi của mình những câu thơ rất bất ngờ, nhưng cũng rất gần gũi với mọi người. Trí tưởng tượng bổ sung cho em thêm những hiểu biết khi trình độ nhận thức của em còn rất non nớt trong thời thơ ấu. Nhưng quan trọng hơn cả là nó đã tạo cho em một tâm hồn giàu sức sáng tạo, và chính nó là một phẩm chất không thể thiếu được trong năng khiếu thơ của em.

Thông qua trí tưởng tượng của em, sự vật ngoài đời, từ một góc sân hay một khoảng trời, một tiếng chim hót hay một tiếng võng kêu, một mảnh trăng hay một cánh diều… vừa hư lại vừa thực, đã tạo cho thơ em những nét riêng biệt, và hấp dẫn.

Em có những câu thơ đáng yêu như :

Chị tre chải tóc trên cao.

Đàn mây áo trắng ghé vào soi gương.

Thành ra cũng nhờ có trí tưởng tượng mà từ góc sân nho nhỏ này Khoa đã nhìn được cả trên cao, nhìn cả ra xa, đến tận con sông Kinh Thầy của quê mình, và thấy cả cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc:

Góc sân nho nhỏ mới xây

Chiều chiều em đứng nơi này em trông

Thấy trời xanh biếc mênh mông

Cánh cò chớp trắng trên sông Kinh Thầy,

Thấy đạn các chú đan dầy

Máy bay giặc Mỹ lăn quay thêm nhiều !

Khoảng trời em đến là yêu

Góc sân nho nhỏ chiều chiều đứng trông.

Cái thế giới kì ảo của trí tưởng tượng mà mẹ em đã dẫn dắt vào từ những năm còn thơ, tạo ra những câu thơ hay, và hơn thế nữa, đã góp phần hình thành ở em những ước mơ cao đẹp về cuộc sống tương lai, thúc đẩy em luôn luôn khám phá, tìm tòi, sáng tạo mãi.

Tình yêu của người mẹ – nguồn cảm xúc của tuổi thơ

Mẹ em Khoa là một người phụ nữ giàu tình cảm. Lúc còn con gái nghe chuyện “Tống Trân, Cúc Hoa”, đọc “Kiều”, đọc “Chinh phụ ngâm”… bà thường khóc vì xót thương cho những người trong chuyện bị rơi vào hoàn cảnh éo le. Sau này khi có gia thất bà thương chồng, thương con hết mực. Đối với những người xung quanh bà giữ trọn tình làng nghĩa xóm. Nhà tuy nghèo nhưng hễ thấy người khác khổ hơn mình, bà sẵn lòng nhường cơm xẻ áo, an ủi, động viên.

Có lần bộ đội qua làng và đóng quân tại đó, bà thấy các chú lính trẻ trạc tuổi con mình mà phải xa nhà ra mặt trận, đêm nằm trằn trọc không ngủ được, thế là sáng hôm sau bà dậy thật sớm, hái hết hoa quả trong vườn kịp tặng bộ đội lên đường hành quân.

Tấm lòng tràn đầy yêu thương của bà đã truyền sang cho con mình. Anh chị em Khoa cũng sống với lòng nhân ái như thế trong cả thời thơ ấu.

Năm Khoa lên 4 tuổi, mẹ Khoa sinh em bé gái (là Thúy Giang), năm đó mùa màng thất bát, trong nhà chỉ còn vài đấu gạo, mỗi bữa chỉ nấu một niêu cơm nhỏ, dành cho bà ăn để lấy sữa nuôi con nhỏ, còn thì cả nhà chỉ ăn khoai sắn. Bưng bát cơm gạo trắng mà nuốt không nổi vì thấy đứa con mới 4 tuổi mà đã phải ăn ngô khoai thay cơm, bà đưa bát cơm cho Khoa nhưng em từ chối, không ăn, mẹ bảo thế nào cũng không chịu, cứ chạy đi chỗ khác. Bà bưng bát cơm đuổi theo con, nhưng Khoa nhất quyết không ăn mà nói: “Bát cơm này là của em bé !”.

Cùng năm đó bà ngoại của em bị ốm, mẹ Khoa đi chợ mua biếu bà mấy chiếc bánh giò. Ngửi thấy mùi bánh thơm phức, nhưng mấy anh chị em Khoa không ai đòi ăn, mà dành cả cho bà.

Khoa tuy bé nhất nhưng đã xung phong mang bánh đến biếu bà. Từ nhà em đến nhà bà ngoại không xa lắm nhưng phải qua một chiếc cầu tre cheo leo. Cậu bé một tay cầm bánh, một tay chống vào cây tre bò qua cầu. Biếu bà quà xong em liền chạy về nhà như vừa mối lập được một chiến công hiển hách.

Đối với bạn bè, em sẵn lòng nhường bánh kẹo, đồ chơi, những thứ mà mình ưa thích.

Thương yêu con, nên mẹ Khoa cũng rất quan tâm tới bạn bè của các con. Mỗi khi các em đến chơi nhà, bà thường hỏi han ân cần, luôn luôn nhẹ nhàng khuyên bảo các em biết thương yêu nhau, giúp đỡ lẫn nhau mọi mặt. Cạnh nhà có một em bé bị lòa nặng, gần như mù từ lúc còn bé, tên là Trần Kim Dũng. Dũng kém Khoa hai tuổi và thích sang chơi nhà Khoa. Gia đình Dũng thương con bị tàn tật nên cũng rất chiều chuộng em, ít uốn nắn những sai sót của em, cũng vì vậy, Dũng chưa phải là một em bé ngoan. Mẹ Khoa luôn nghĩ: Cháu bé bị mù lòa càng cần được chăm sóc hơn để có một tâm hồn trong sáng và lạc quan yêu đời. Và thế là mỗi lần Dũng sang chơi, bà đều tìm cách khuyên bảo, đọc thơ, kể chuyện cho nghe. Bằng tình thương chân thành, bà đã cảm hóa được em, khiến em bé bị mù lòa này suốt ngày cứ quanh quẩn ở nhà bà. Em cũng học Khoa cách làm thơ, và khi tiếng thơ của em cất lên thì cũng chính là lúc tâm hồn của em được đổi mới.

Hôm nay em đến lớp

Nghe đất trời đẹp hơn

Con chim nghiêng mắt ngó

Ngắm bầu trời trong xanh.

Cảm ơn thầy, cô giáo

Thương đứa trẻ như em

Cuộc đời không ánh sáng

Quanh em mù bóng đêm

Cuộc đời em ngày tháng

Bóng tối tràn mênh mông

Hôm nay em đến lớp

Được sáng mắt sáng lòng !

(Trần Kim Dũng – 10 tuổi)

Tôi đã đọc khá nhiều bài thơ của em Khoa, kể cả những bản ghi chép chưa hoàn chỉnh và thấy rằng có thể nói nguồn cảm xúc phong phú trong thơ em một phần quan trọng là chịu ảnh hưởng khá sâu đậm của tấm lòng yêu thương của mẹ em. Hình ảnh bà thường được em thể hiện bằng những câu thơ đẹp và sâu sắc nhất. Trong giấc ngủ chập chờn, em thấy “Bóng mẹ lom khom trên đồng”.

Bưng bát cơm ăn lại chạnh nghĩ ngay đến:

Giọt mồ hồi sa,

Những trưa tháng sáu

Nước như ai nấu

Chết cả cá cờ

Cua ngoi lên bờ

Mẹ em xuống cấy…

Và mỗi khi nhìn thấy:

Áo mẹ mưa bạc màu

Đầu mẹ nắng cháy tóc

Em lại nghĩ và tự trách mình :

Mẹ ngày đêm khó nhọc

Con chưa ngoan, chưa ngoan!

Rối khi mẹ ôm, em đã nhận ra rằng:

Nắng mưa từ những ngày xưa

Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan !

Và em muốn làm tất cả những gì có thể làm để mẹ chóng khỏi:

Mẹ vui con có quản gì

Ngâm thơ, k ể chuyện rồi thì múa ca

Rồi con diễn kịch giữa nhà

Một mình con đóng cả ba vai chèo !

Tấm lòng tràn đầy tình thương yêu của bà như tỏa ra một cách vô hình ở mọi vật trong nhà, từ con chó, con mèo, đến cây na, cây chuối, cái gì cũng như được nâng niu, quý trọng và hầu như tất cả đều trở thành những nhân vật thân thiết của mọi người. Các con bà hầu như không có những hành động phá phách cây cối hay đánh đập gia súc, trái lại thường có ý thức chăm chút, giữ gìn. Hái một lá trầu cho bà, Khoa cũng cảm thấy như cây bị đau:

Trầu ơi, hãy tỉnh lại

Mở mắt xanh ra nào!

Lá nào muốn cho tao

Thì mày chìa ra nhé!

Tay tao hái rất nhẹ

Không làm mày đau đâu!

Chỉ vì một con chó hốt hoảng bỏ nhà chạy đi khi nghe tiếng bom giặc Mỹ nổ ở gần nhà, mà cả nhà ai cũng thương nhớ. Khoa viết:

Hôm nay tao bỗng thấy

Cái cổng rộng thế này!

Vì không thấy bóng mày

Nằm chờ tao ngoài cửa

Không nghe tiếng mày sủa

Như những buổi trưa nào

Không thấy mày đón tao

Cái đuôi vàng ngoáy tít

Cái mũi đen khìn khịt

Mày không bắt tay tao

Tay tao buồn làm sao!

Một tấm lòng như vậy sẽ không thể sản sinh ra những hành vi thô bạo, độc ác, dù là độc ác với cây cỏ, chim muông.

Tôi có một nhận xét ở trẻ em, sự thô bạo đối với thiên nhiên thường đi liền với tính độc ác đối với con người, vì một hành vi thô bạo sẽ để lại một vết nhơ trong tâm hồn các em. Nhiều bà mẹ trẻ chúng ta thường rất coi thường các hiện tượng các cậu con trai của mình trèo lên phá hoại cây cối, đánh đập súc vật. Sự thô bạo thậm chí tàn ác của một số ít thanh niên phạm pháp, phải chăng đã có nguồn gốc từ những hành vi độc ác hồi còn bé đối với những vật xung quanh mình mà không hề được ai nhắc nhở, phê phán, ngược lại đôi khi còn được khuyến khích một cách vô ý thức?

Một vườn hoa mới trồng đẹp đẽ, có em nhỏ đã vào vặt trụi cả lá. Một hàng cây non nớt mới mọc vài chồi lá đã bị các em bẻ ngang để đùa nghịch. Chúng ta ngăn các em làm những việc đó không chỉ là để bảo vệ vườn hoa hay hàng cây, mà còn là để cho các em nhỏ không làm quen với những hành vi thô bạo đó, vì sau này, khi lớn lên, nó có thể trở thành những hành vi độc ác đối với cả con người.

Anh em Khoa được sống trong một bầu không khí yêu thương và thân thiết như vậy của gia đình, mà linh hồn là người mẹ của em, nên tình cảm tốt đẹp đó đã được phát triển ở cả mấy anh em. Riêng với một tâm hồn nhạy cảm như em Khoa, những cái tinh tế của cuộc sống rất dễ lọt vào những “giác quan đầy xúc động” của em. Chúng ta hãy nghe em tả cảnh nửa đêm:

“Nửa đêm em tỉnh giấc

Bước ra hè em nghe

Nghe giọt sương đọng mật

Đọng mật trên cành tre

Nghe ri rỉ tiếng sâu

Nó đang thở cuối tường

Nghe rì rầm rặng duối

Há miệng đòi ăn sương”.

Người thầy đầu tiên của các con

Mẹ em Khoa là người phụ nữ rất có ý thức về việc giáo dục con cái. Đặc biệt là bà muốn truyền lại cho con truyền thống văn hóa gia đình mà bà đã tiếp thu trước đây bằng những câu ca dao, tục ngữ, bằng những chuyện cổ tích giàu bản sắc dân tộc và thấm đượm tình người . Bà thường lấy nhân vật trong truyện để khen chê các con như: hiếu thảo như Cúc Hoa, dũng cảm như Thạch Sanh, chăm chỉ như Tấm, lười biếng như Cám…

Bà quan tâm nhiều nhất đến đức hạnh của các con, bà thường khuyên các con sống sao cho có trước, có sau, có trên có dưới, không tham lam ích kỉ, luôn biết “thương người như thể thương thân”.

Khi thơ của Khoa được đăng trên các báo trong và ngoài nước, nhà bà tấp nập khách đến thăm, bà không lấy đó làm điều hãnh diện cho con, hàng ngày bà vẫn bảo Khoa chăn trâu cắt cỏ, quét nhà quét sân, nấu cơm giã gạo … như những trẻ bình thường khác trong làng. Thấy vậy bà con hàng xóm góp ý kiến với bà: “Thằng Khoa là con vàng, con ngọc của bà, sao bà lại bắt nó làm những việc tầm thường như vậy?”. Còn bà thì chỉ nghĩ đơn giản rằng: “trước hết hãy làm người rồi mới làm thơ”. Ngồi khâu lại cái vó cất cá cho con, bà bảo: “Thơ ở đây mà ra chứ ở đâu”. Chính nhờ vậy mà Khoa đã có những bài thơ rất hay, rất chân thực, đọc lên nghe rất cảm động:

Khi mẹ vắng nhà, em luộc khoai

Khi mẹ vắng nhà, em cùng chị giã gạo

Khi mẹ vắng nhà, em thổi cơm

Khi mẹ vắng nhà, em nhổ cỏ vườn

Khi mẹ vắng nhà, em quét sân và quét cổng.

Sớm mẹ về thấy khoai đã chín

Buổi mẹ về thấy gạo trắng tinh

Trưa mẹ về cơm dẻo và ngon

Chiều mẹ về cỏ đã quang vườn

Tối mẹ về cổng nhà sạch sẽ

Mẹ bảo em: “Dạo này ngoan thế!”

Không mẹ ơi ! Con chửa ngoan đâu

Áo mẹ mưa bạc màu

Đầu mẹ nắng cháy tóc

Mẹ ngày đêm khó nhọc

Con chưa ngoan, chưa ngoan.

(Bài thơ “Khi mẹ vắng nhà” — 1967)

Qua những công việc bình thường để giúp đỡ bố mẹ, Khoa lại có những nhận xét tinh tế và nên thơ về sự vật xung quanh. Trong khi đi đánh dậm ở ao ven làng, bên ruộng lúa xanh non em đã nhìn thấy:

Những chị lúa phất phơ bím tóc

Những cậu tre bá vai nhau thi thầm đứng học

Đàn cò áo trắng

Khiêng nắng qua sông

Cô gió chăn mây trên đồng

Bác mặt trời đạp xe qua ngọn núi.

Rồi lại phát hiện ra nhiều điều thú vị:

Này chị cua càng giơ tay chào biển lúa

Này thằng rói nhớ ai

Mà khóc mãi, mắt đỏ ngầu như lửa

Này lão trê nhảy võ ở đâu

Mà ngã bẹp đầu.

Đối với con cái trong nhà, bà hết sức tôn trọng và đối xử tế nhị. Bà thường nói : “con cái cũng có sĩ diện của chúng nó chứ? Khi con còn bé, mỗi lần trò chuyện với chúng bà thường “thưa”, “dạ” cẩn thận .

Có một lần bà đi vắng, bé Giang, đứa con út lên 4 tuổi ở nhà một mình. Suốt buổi chiều chơi tha thẩn trong sân, thấy đói bụng, nhìn vào bếp thấy niêu cá mẹ treo trên gióng. Bé Giang bèn trèo lên mở vung ăn vụng cá. Đang “hành động” thì bà cũng vừa bước tới cổng. Nhìn vào thấy bé Giang đang leo trên cao với tay tới niêu cá. Bà không vào nhà ngay mà đứng nép bên hàng dậu, chờ cho bé Giang ăn xong cá, đậy nắp vung lại, tụt xuống đất, bà mới đẩy cửa bước vào nhà, mặt tỉnh bơ như không biết việc gì vừa mới xảy ra và vẫn hỏi han con ở nhà như thế nào, có buồn không?

Sau đó ít hôm, bà gội đầu cho con, trong khi xoa đầu vuốt má cho khô những giọt nước bồ kết, bé Giang thấy dễ chịu, khoan khoái, bà liền nói với con: “Nhà ta có một con mèo rất hư, hôm mẹ đi vắng nó ở nhà một mình lại ăn vụng cá. Nhưng nó cũng thật là giỏi, niêu cá mẹ treo cao thế mà nó vẫn lấy được!”. Vốn là một cháu bé nhạy cảm, nghe mẹ nói vậy biết ngay là mẹ đang nói mình, có tật giật mình” mà ! thế là cô bé ngượng quá rúc đầu vào mẹ mà khóc “tu tu” và hứa với mẹ là lần sau không ăn vụng cá nữa.

Bà ít khi la mắng và tuyệt đôi không xỉ nhục đánh đập con bao giờ, mà thường gợi chuyện để chúng tự liên hệ thấy khuyết điểm của mình mà tự giác sửa chữa.

Một không khí hòa thuận thương yêu lẫn nhau bao trùm lấy gia đình bà.

Có người gọi người mẹ là người thầy đầu tiên của các con thì mẹ em Khoa đúng là một nhà giáo dục giàu kinh nghiệm. Cách giáo dục con cái của bà không cần gì phải thuyết giáo dài dòng cao xa nhưng lại thấm sâu vào tâm hồn con trẻ, bởi trước hết là ở tấm lòng tràn đầy yêu thương của bà.

Có thể nói một cách chắc chắn rằng, tấm lòng yêu thương của bà mẹ đã giúp cho Khoa cái gốc của một tâm hồn thơ, và em đã vững bước trên con đường sáng tạo nghệ thuật đó cho tới ngày hôm nay. vẳng bên tai tôi như còn ngân vang một câu thơ của Trần Đăng Khoa viết khi em mới mười hai tuổi để nói lên niềm hạnh phúc lớn lao là đã có được một người mẹ rất đỗi yêu thương, một người mẹ đã cho mình một điều quý giá nhất trên đời: Một tâm hồn Việt Nam!

Em đã viết:

“Mẹ là đất nước, tháng ngày của con !”